Mục lục
NFT là gì?
NFT viết tắt cho cụm từ “Non-fungible token”, tức là các token không có giá trị thay thế lẫn nhau.
Token NFT có cơ chế hoạt động như các tệp tin và không thể thay thế lẫn nhau – ví dụ như jpg, gif, png,… – để lưu giữ thông tin và giá trị ở trên internet. Vì là các dạng tệp tin trên các blockchain, nên các thông tin về chủ sở hữu hoặc các giao dịch của token đều được công khai minh bạch. Chúng mang ý nghĩa độc nhất và không thể nào bị thay thế bằng bất cứ thứ gì khác.
NFT phổ biến nhất trên thị trường crypto thường được nhắc tới là các tác phẩm nghệ thuật điện tử.
Tính chất của NFT
Bởi NFT là cách để lưu trữ các tệp tin trên các blockchain, nên chúng sở hữu các đặc điểm cơ bản của token trên blockchain nói chung và các đặc điểm của NFT nói riêng:
- Tính độc nhất: Các token này là độc nhất, kể cả những người khác có tạo ra những tập tin y hệt thì chúng vẫn khác với những tập tin được tạo ra từ trước đó.
- Tính vĩnh cửu: Sự tồn tại của các token này là vĩnh viễn, kèm theo các thông tin trong token đó ví dụ như các tin nhắn, bức ảnh, âm thanh, hay các dữ liệu,…
- Có thể được lập trình: NFT cũng là các dòng code trên blockchain, và luôn luôn có thể xác minh được tác giả của NFT, kể cả tác phẩm có qua tay bao người sở hữu đi chăng nữa.
- Không cần được cấp phép: Đây là đặc điểm tùy loại NFT. Nếu NFT đó được tạo ra ở trên một mạng lưới blockchain mở, thì NFT đó cũng thừa hưởng đặc tính của mạng lưới là có thể được truy cập tùy ý.
- Tính sở hữu: Những người sở hữu NFT có toàn quyền quyết định sở hữu, sử dụng NFT đó.
Cách tạo NFT
Có rất nhiều cách để tạo các NFT, nhưng đều trải qua các bước sau.
Đầu tiên, xác định tệp tin nào muốn biến thành NFT. Có rất nhiều loại file có thể trở thành NFT, ví dụ như các tệp hình ảnh (JPG, PNG,…), các tệp âm thanh (MP3,…),…
Tiếp theo, cần tạo một ví Ethereum để truy cập vào các chợ NFT, và nạp một lượng Ethereum dùng để tạo NFT trên mạng lưới Ethereum.
Sau đó, kết nối ví của mình với các chợ NFT như Rarible. Sau khi kết nối, đã có thể truy cập tất cả tính năng cần thiết dùng để tạo ra, mua và bán NFT.
Cuối cùng, tải tệp tin của mình lên nền tảng và điền các thông tin cần thiết như miêu tả NFT, số bản muốn tạo ra,… và bắt đầu mint ra NFT đó, với một lượng phí Ethereum để tạo ra NFT. Lượng phí này là để xác nhận NFT này là một phần của mạng lưới Ethereum.
NFT Pandora – Chiếc hộp bí ẩn
Non-fungible nghĩa là độc nhất và không thể bị thay thế với thứ gì khác.
Ví dụ: đơn giản là tờ tiền $5, chúng có số lượng lớn và dễ dàng bị thay thế bởi đồng $5 khác, nhưng với bức họa nàng “Mona Lisa” của Leonardo da Vinci, thế giới chỉ có một bản duy nhất và đó là lý do khiến chúng “non-fungible”.

Đây chính là nguyên nhân chính cho sự tăng trưởng cực nóng của NFT trong thời gian qua.
Vì sao điều này có thể?
Nhờ blockchain Ethereum với sự ra đời của chuẩn ERC721, sau đó là các chuẩn như ERC1155, ERC998, ERC20 đã cho NFT những đặc điểm bao gồm:
- Độc nhất: Mỗi một NFT có các đặc tính khác nhau được chứa bên trong token.
- Khan hiếm: Thông thường NFT đều có một số lượng nhất định và đều có thể được kiểm chứng trên blockchain.
- Hoàn chỉnh: Với token thông thường đều có thể mua “mảnh” của chúng (0,01 BTC) nhưng với NFT, hầu hết đều là các token là hoàn chỉnh và không thể mua tách rời.
- Tính sở hữu: Những địa chỉ mua NFT đều sẽ được thể hiện trên blockchain từ đó chứng minh được quyền sở hữu.
- Khác: Dễ dàng giao dịch và không thể bị làm giả.
Tất cả các đặc điểm trên giúp token “non-fungible” từ đó có tiềm năng giá trị lớn.
Vì sao lại bỏ hàng triệu đô chỉ để mua một món đồ?
“Rác của người này có thể là báu vật với người kia”. Đối với các sản phẩm điện tử như tranh, nhạc,.. thứ mà có thể “Copy + Paste” dễ dàng ngày xưa, hiện tại đã có thể trở thành NFT. Tác phẩm đó có bằng chứng xuất xứ, có giới hạn số lượng và không thể bị làm giả,…

3LAU thông qua việc hợp tác với Origin Protocol (OGN) đã bán album được NFT hóa và thu về tổng cộng hơn 11 triệu đô (trong 33 NFT đó có một NFT được bán với giá hơn 3,6 triệu đô).

Và đến cả một dòng tweet từ CEO Twitter cũng có thể kiếm về 2.5 triệu đô.
Những con số của NFT
Những thành tựu NFT đạt được trong thời gian vừa qua và những cái tên nổi bật nhất vào thời điểm hiện tại.
Tổng quan

Trong tháng hai đã có hơn 100 triệu đô trị giá NFT được bán, gấp 8 lần tháng trước đó và hiện tại dù chưa đến giữa tháng ba nhưng mức giá trị thu về đã là rất cao.

Có 4 nghệ sĩ kiếm về hơn 10 triệu đô doanh thu nổi bật là Beeple với gần 100 triệu đô doanh thu và vô số những con số ấn tượng.
Opensea
Có NFT thì tất nhiên cần phải có một nơi để mua bán chúng. Opensea là NFT marketplace đứng đầu thời điểm hiện tại, sự bùng nổ của NFT cũng thúc đẩy số người dùng của nền tảng tăng mạnh, hiện tại đã vượt qua 50k (và biết gì không? dự án chưa có token). Bên cạnh Opensea thì một vài marketplace mà ta cũng nên quan tâm bao gồm: Rarible, SuperRare.

Socks
Bên cạnh các tác phẩm của nghệ sĩ, các đồ sưu tầm cũng là một mảng tăng trưởng mạnh.
SOCKS được ví như Bitcoin của giới NFT, tổng cung chỉ có 314 token, có thời điểm giá NFT này vượt mốc $160,000/SOCKS.

NBA Topshot
NBA Topshot là một trong những game sưu tầm thẻ bài lớn nhất hiện tại, mỗi một thẻ bài đại diện cho một vận động viên NBA. Cùng đội phát triển của CryptoKitties không khó để lý giải tại sao trò chơi lại tạo nên một cơn sốt trong giới Crypto. NBA Topshot đã bán được hơn 300 triệu đô trị giá NFT (250 triệu đô trong tháng 2), con số này là quá lớn và chỉ là vấn đề thời gian.

Cryptopunks
Cryptopunks, game NFT đầu tiên (trước cả Crypto Kitties) đã nhận được ánh hào quang và có một sự tăng trưởng không tưởng trong thời gian trở lại đây.

Các công dụng của NFT

Nghệ thuật
Các sản phẩm nghệ thuật trên blockchain có thể dễ dàng xác minh chủ sở hữu và tác giả sản phẩm. Các vấn đề về tác phẩm giả, hay quyền sở hữu sẽ được xử lý gọn ghẽ với công nghệ blockchain.
Ví dụ: điển hình của NFT trong nghệ thuật, là một bức tranh kỹ thuật số vừa được bán với giá gần 70 triệu đô – lập kỷ lục NFT giá cao nhất từng được bán.
Thẻ giao dịch điện tử
Sorare và NBA Top Shots là hai ứng dụng sưu tập thẻ thể thao hàng đầu. Cả hai đều phục vụ cho các trò chơi thể thao điện tử.
Theo dõi xuất xứ và xác thực thông số kỹ thuật
Trong thế giới thông thường, các sản phẩm nghệ thuật sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền của để xác minh một tác phẩm có phải bản thật hay không. Với công nghệ blockchain, thì việc đó trở nên vô cùng dễ dàng và thuận tiện.
Giao dịch trong Game
Các trò chơi điện tử đã là các dòng code sẵn từ đầu, nên việc đưa các NFT vào các game sẽ vô cùng dễ dàng. Rất nhiều dự án để sử dụng các game làm đòn bẩy phát triển cho dự án NFT, ví dụ như Axie Infinity – một dự án mô phỏng trò chơi Pokemon tạo ra các NFT Pokemon và cho chúng đánh nhau.
Tên miền
Các tên miền cũng là các sản phẩm NFT bởi chúng là khác biệt, độc nhất, và từ lâu đã có các công ty kinh doanh tên miền.
Phát triển nội dung
Âm nhạc, tweets, memes, và các nội dung kĩ thuật đều có thể trở thành NFTs, giúp cho nội dung đó trở nên độc nhất và có một ý nghĩa đặc biệt.

Token hóa các đồ vật giá trị cao
Trong tháng 2 năm 2020, đã có một chai rượu Fine thật được bán dưới dạng NFT để tránh bị làm nhái từ những kẻ làm đồ giả. Đây là lần đầu tiên một vật chất trong thế giới thật được “token hóa”, làm bằng chứng quyền sở hữu chai rượu của người mua và được bán trên OpenSea – một chợ NFT cho phép giao dịch các token NFT ERC-721.
Các sản phẩm tài chính
Có rất nhiều sản phẩm tài chính trong thế giới thật không thể trao đổi và thay thế được.
Ví dụ: trong lĩnh vực bất động sản có thể “token hóa” những mảnh đất, ngôi nhà để giúp việc mua bán được minh bạch, rõ ràng.
Các vé tham gia sự kiện
Trong thế giới vật chất, các vé tham gia sự kiện có thể bị làm giả dễ dàng, tuy nhiên trong thế giới blockchain thì việc làm giả là bất khả thi. Trong năm 2020, UEFA Champions League đã bán vé cho khán giả những chiếc vé online dựa trên công nghệ blockchain.
Những hiểu lầm thường thấy về NFT
Tại sao lại phải mua và sở hữu NFT thay vì chỉ cần lưu lại?
Tất nhiên ai cũng có thể tải về hoặc lưu lại các tác phẩm nghệ thuật và rồi in ra. Ví dụ: Bức tranh Mona Lisa bạn có thể tải về và in ra. Tuy nhiên, bức tranh đó không phải bức tranh Mona Lisa thật và không có giá trị. Bức tranh gốc được trả hàng trăm triệu đô còn bức tranh in ra thì ai cũng có thể làm một bản sao chép như vậy.
NFT được định giá như thế nào?
Chắc chắn không phải NFT nào cũng có giá trị. Có rất nhiều NFT tạo ra mà không có giá trị, các NFT có giá trị hay không, qua thời gian, chúng sẽ được định giá bởi thị trường.
Ví dụ: Các bức tranh của danh họa Van Gogh được công nhận sau khi ông ấy mất.
Các NFT “token hóa” đồ vật thật có còn giá trị nếu đồ vật đó hỏng?
Nếu các đồ vật thật bị hỏng, hư hại hay mất, thì các NFT sẽ chỉ còn chức năng xác minh người sở hữu NFT là chủ sở hữu cũ của món đồ đó.
Tương lai của NFT
Hiện tại NFT vẫn chỉ là một hiện tượng nhưng vẫn chưa rõ ràng nên vẫn cần thời gian để quyết định.
Sẽ ngày càng có nhiều người tham gia để có một miếng bánh NFT, khoản lợi khổng lồ là thứ kích thích cung cầu và thúc đẩy thị trường, nhiều người đổi đời, nhiều người trắng tay,..
Đối với thời điểm hiện tại để có thể mã hóa tài sản cá nhân sẽ rất xa vời nhưng đang dần được áp dụng vào thực tế. Ví dụ: Nike đã sử dụng hệ thống NFT để chứng thực đôi nào là giày hàng Auth (CryptoKicks) Reuben Bramanathan, cựu thành viên của Coinbase token hóa “sức lao động” của mình, 1 token CSNL có thể đổi được 1 giờ làm việc của anh ta và có thể được giao dịch tự do.
Hiện tại còn quá nhiều vấn đề liên quan khi bản thân Crypto nói chung và NFT nói riêng vẫn chưa được chấp nhận rộng rãi, nhưng không ai có thể dự đoán được điều gì sẽ xảy ra trong tương lai.
Những dự án bắt đầu kết hợp NFT
Hiện tại trong Lego của NFT, có không ít những mảnh ghép và những cái tên nổi bật hoạt động trong những mảng khác nhau như:
- Marketplace: Rarible, OpenSea, Terra Virtua,…
- Infrastructure:Darwinia, Flow,…
- Games: Axie Infinity, CryptoKitties,…
- VR: Sandbox, Decentraland,…
- Defi NFT: Seascape, NFTX,…
- Collectibles: Unisocks, Meme,…
Ngoài ra thị trường NFT còn thu hút sự chú ý của những dự án không thuần phát triển về NFT. Như vừa rồi các dự án như IOST, Origin và ZKSwap.
Defi – Bệ phóng của NFT
Chính vì tính “độc nhất” và “giới hạn” đó, NFT gần như đã trở thành một thứ không chỉ dành riêng cho thị trường crypto mà còn có một lượng lớn những cá nhân theo đuổi nghệ thuật. Họ có thể là nhà sáng tạo, nhà sưu tầm nghệ thuật hoặc gần gũi hơn là những người cần các sản phẩm về nghệ thuật như logo, tranh vẽ kỹ thuật số,…
Cộng thêm với sự phát triển vượt bậc của các dự án tài chính phi tập trung (Defi) hiện nay thì điều đó càng củng cố sự phát triển và sức mạnh của NFT nữa trong tương lai.
NFT đã trở nên có giá trị và thu hút lượng người dùng lớn là sự giúp đỡ không ít của các nền tảng Defi.
Nếu bài viết này mang lại thông tin hữu ích hãy chia sẻ đến mọi người để có thể cùng biết đến.
Thân ái!