Tiền là gì? Và cách tiền tệ bị thao túng

Như chúng ta đều biết tiền là một trong những mắt xích quan trọng trong kinh tế toàn cầu. Trong rất nhiều năm từ trước đến nay, tiền dùng để chỉ ra giá trị để trao đổi thúc đẩy thương mại. Có rất nhiều người vì tiền mà bất chấp làm mọi điều trái pháp luật và luật nhân quả để chỉ đổi lấy được đồng tiền. Nhưng họ chưa chắc đã hiểu được bản chất thật của tiền. Hôm nay mình sẽ chia sẻ một số điều hiểu biết của mình về tiền trong bài viết này.

tien-la-gi
Tiền là gì?

Tiền là gì?

Trong kinh tế học, tồn tại nhiều định nghĩa khác nhau về tiền tệ. Tiền tệ là đơn vị được chấp nhận là phương tiện thanh toán cho hàng hóa và dịch vụ. Hiểu đơn giản, tiền tệ được xác định bởi niềm tin của con người. Khi nhiều người chấp nhận sử dụng một thứ gì đó để trao đổi thì nó chính là tiền.

Hiện nay, trên thế giới hầu hết mỗi quốc gia đều có tiền pháp định riêng của mình. Như Việt Nam là Việt Nam đồng, Mỹ là USD, Trung Quốc là nhân dân tệ. Tuy nhiên, để được công nhận là tiền tệ thì phải thỏa mãn 5 yếu tố. Đó chính là: có thể thay thế, dễ nhận biết, bền bỉ, dễ vận chuyển và ổn định.

Một trong những mục đích quan trọng nhất của tiền tệ là giúp bộ máy kinh tế vận hành trơn tru. Để hoàn thành được nhiệm vụ này thì phải xác định được có bao nhiêu tiền đang lưu hành. Bởi vì lẽ đó, các nhà kinh tế đã phân loại tiền thành 3 mức khác nhau. Lần lượt là: M1, M2 và M3.

  • M1 – Loại tiền này bao gồm tất cả các của tiền xu và tiền giấy đang lưu hành. Ngoài ra, nó còn có tiền gửi không kỳ hạn, tài khoản séc trong ngân hàng. Đây là loại tiền hẹp nhất trong ba loại. Về cơ bản, M1 là tiền được dùng thuần cho mục đích thanh toán.
  • M2 – Với các định nghĩa rộng hơn. Danh mục M2 hàm chứa M1 và tất cả các khoản tiền gửi tiết kiệm và tiền gửi quỹ đầu tư với giá trị nhỏ. Loại này đại diện cho các khoản tài sản có thể dễ dàng chuyển thành tiền mặt.
  • M3 – Loại tiền có phạm vi rộng nhất. M3 kết hợp M2 tất cả các khoản tiền gửi có kỳ hạn, ký quỹ, các thỏa thuận mua ngắn hạn, hợp đồng tương lai,…

Những chức năng của tiền

Tiền là phương tiện trao đổi

Trao đổi hàng hóa và dịch vụ trên thị trường là một trong những hoạt động phổ biến nhất của đời sống hằng ngày. Tuy nhiên, việc trao đổi này không phải lúc nào cũng thuận lợi. Nhằm loại bỏ những sự khó khăn trong giao dịch. Mọi người phải lựa chọn một thứ gì đó sẽ đóng vai trò là vật trung gian. Và đó chính là tiền.

tien-la-phuong-tien-trao-doi
Tiền là phương tiện trao đổi

Để xem xét chức năng quan trọng này của tiền, chúng ta có thể tư duy ngược lại bằng cách xem xét sự vắng mặt của nó. Khi không có tiền, hàng hóa sẽ được trao đổi trực tiếp với hàng hóa khác. Lúc đó, người mua phải tìm những vật có giá trị mà người bán chấp nhận.

Giả sử bạn đang ghé thăm một cửa hàng tạp hóa trong nền kinh tế không có tiền. Bạn sẽ cần phải chất đầy một đống đồ mà người bán tạp hóa có thể chấp nhận để đổi lấy hàng tạp hóa. Đó sẽ là một chuyện rất rắc rối. Chi phí vận chuyển cao khủng khiếp và cơ hội gặp một cửa hàng đúng nhu cầu lại hiếm hoi. Điều này sẽ làm nền kinh tế thế giới trì trệ và hoạt động kém hiệu quả.

Tiền là thước đo giá trị

Trong thực tế, nếu bạn hỏi bất kỳ người Việt Nam nào về giá cả. Họ sẽ cho bạn một con số kèm với đơn vị là đồng. “Tô bún này giá 30.000 đồng” hoặc “tôi đã trả 30 triệu đồng cho cái Iphone 12 này”. Mọi người sẽ không nói rằng “Tôi đã trả 1000 tô bún để đổi lấy cái Iphone 12”. Về lý thuyết, câu nói trên hoàn toàn có đúng theo nghĩa đen. Nhưng mọi người sẽ không dùng cách báo giá như vậy. Bởi vì, mọi người không đến FPT shop hoặc điện máy xanh với cả nghìn tô bún để đổi một cái Iphone 12. Dẫn đến thông tin đo lường sẽ không thực tế.

Trong ví dụ trên, có thể thấy rằng tiền đóng vai trò như một thước đo giá trị. Tiền là một phương tiện nhất quán để đo giá trị của mọi thứ. Khi báo giá của hàng hóa hoặc dịch vụ theo đơn vị tiền. Tất cả mọi người đều có thể hiểu về số lượng, quy mô cũng như là giá trị của tiền.

Tiền lưu trữ giá trị

Tức là tiền vẫn có giá trị theo thời gian. Nếu bạn để quên một tờ 100.000 đồng hồi năm 2017 ở trong tủ. Bây giờ bạn mở tủ ra và thấy nó, dĩ nhiên bạn vẫn có thể cầm nó ra ngoài mua bất cứ thứ gì bạn muốn. Thực tế, giá trị đã được ”lưu trữ” tờ polyme đó trong ngần ấy thời gian. Và nó cũng có thể tiếp tục lưu trữ giá trị trong tương lai.

Dĩ nhiên, tiền không phải là thứ duy nhất lưu giữ giá trị. Mà còn có những tài sản như: Các bất động sản, xe, vàng,… đều có chức năng này. Tuy nhiên, tiền khác với những kho lưu trữ giá trị khác này là có thể dễ dàng trao đổi lấy các hàng hóa khác. Với chức năng phương tiện trao đổi làm tiền trở thành một kho lưu trữ giá trị tiện lợi.

Mặc dù vậy, tiền không phải là một kho lưu trữ giá trị không có rủi ro. Chúng ta đều biết rằng trong nền kinh tế thì luôn có lạm phát. Nó làm bốc hơi một phần giá trị của tiền. Trong thời kỳ lạm phát phi mã, mọi người có thể không muốn dựa vào tiền như một vật lưu trữ giá trị. Thay vào đó các nhà đầu tư thường chuyển tiền của mình qua bất động sản, vàng,…

Tiền tệ bị thao túng

Một trong những hoạt động ảnh hưởng đến giá trị của tiền tệ nhất là thao túng tiền tệ. Về lý thuyết, thao túng tiền tệ là khi chính phủ hoặc ngân hàng trung ương đưa ra chính sách tiền tệ hoặc các biện pháp khác chi phối tỷ giá. Mục đích của hành động này là làm suy yếu đồng nội tệ hoặc ngoại tệ khác. 

thao-tung-tien-te
Thao túng tiền tệ

Trong giai đoạn COVID-19 vừa qua, hàng loạt các quốc gia đã sử dụng nhiều biện pháp kích cầu kinh tế khác nhau. Theo kinh tế học, thì nó cũng là một trong những hành động thao túng. Phần này của bài viết sẽ giúp cho độc giả có cái nhìn toàn diện đối với các biện pháp đó. Ngoài ra, sẽ cung cấp cho các bạn về sự ảnh hưởng của các chính sách đối với tỷ giá và thị trường Crypto.

Tại sao các quốc qua thao túng tiền tệ?

1. Xuất khẩu cạnh tranh

Xuất khẩu là một hoạt động chính đem lại ngoại tệ cho một quốc gia. Với một quốc gia sở hữu đồng tiền có giá trị thấp, hàng hóa và dịch vụ được sản xuất tại quốc gia đó trở nên rẻ hơn so với các nước khác. Điều này dẫn đến việc thúc đẩy nhu cầu xuất khẩu. Từ đó, quốc gia có thể giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đem về ngoại tệ mạnh. Mục đích cuối cùng là tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

2. Thúc đẩy tiêu thụ hàng hoá nội địa

Đây cũng là một kết quả của đồng tiền có giá trị thấp. Trái ngược với xuất khẩu, việc đồng nội địa rẻ dẫn tới hàng hòa nhập khẩu trở nên đắt hơn. Từ đó, khuyến khích người tiêu dùng mua các sản phẩm thay thế được sản xuất trong nước. Điều này có thể làm tăng chi tiêu của người tiêu dùng. Đồng thời, nó cũng làm tăng nhu cầu đối với các mặt hàng sản xuất trong nước. Cuối cùng, mục đích là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

3. Thu hút nguồn vốn từ nước ngoài

Đồng tiền yếu hơn có thể nâng cao sức hấp dẫn của quốc gia đối với người nước ngoài. Các tài sản, cho dù đó là chứng khoán hay nhà ở, trở nên rẻ hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Du lịch sẽ được hưởng lợi khi chi phí sống trở nên rẻ hơn. Đây chính là lý do các gói hỗ trợ của chính phủ trong giai đoạn hậu COVID-19 giúp khôi phục ngành du lịch.

4. Quản lý công nợ 

Đồng tiền có giá trị thấp hơn cũng có thể làm cho nợ của một quốc gia dễ quản lý hơn. Do phá giá một loại tiền tệ cũng làm giảm giá trị bất kỳ khoản nợ nào chưa thanh toán bằng loại tiền đó. Trên thực tế, nước có lợi nhất của việc này là Mỹ. Bởi vì hầu hết các khoản thanh toán quốc tế đều sử dụng đồng đô la Mỹ. Các khoản nợ đều là những con số cố định theo thời gian và kèm lãi. Nếu giá trị của đồng tiền trượt dốc thì những khoản nợ cũng bốc hơi đi một phần.

5. Thúc đẩy lạm phát

Lạm phát không chỉ có mặt xấu, mà nó có những tác động tích cực. Tuy nhiên, việc này còn tùy thuộc vào tình hình kinh tế của từng quốc gia. Việc phá giá tiền tệ làm tăng cung tiền, từ đó dẫn đến việc giá cả hàng hóa trong nước đi lên dẫn tới lạm phát.

Những cách thao túng tiền tệ

1. Nới lỏng định lượng (QE)

QE là hành động làm tăng lượng tiền cung ứng. Đây là biện pháp được sử dụng nhiều nhất bởi Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED). Trong giai đoạn COVID-19 vừa qua, FED đang tung ra nhiều gói QE khác nhau. Có nhiều gói kích cầu trong QE, có thể là gói tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc gói tín dụng cho doanh nghiệp tài chính. Tóm lại là tung tiền ra nền kinh tế, giúp nó tiếp tục hoạt động trơn tru. Kết quả là cung tiền tăng dẫn đến sự mất giá của đồng đô la.

2. Giảm lãi suất

Khi một quốc gia cắt giảm lãi suất thì việc tiết kiệm sẽ ít đem lại lãi hơn. Đây cũng là một việc mà các ngân hàng trung ương hay làm. Ở Mỹ, đợt COVID-19 vừa qua, FED đã hạ lãi suất ở mức tiệm cận 0. Mục đích cũng giống như QE. Kết quả là tiền chảy qua kênh tài chính sau đó hấp thụ vào nền kinh tế. Khi có tin tức lãi suất giảm, các thị trường tài chính đa phần đều thăng hoa. Ví dụ như thị trường chứng khoán, vàng và đặc biệt là Crypto.

cat-giam-lai-suat
Cắt giảm lãi suất

3. Quyền lực

Đây là cách mà các nước hay làm nhất. Tuy vậy, nó lại dễ dàng phá giá tiền tệ. Thị trường tài chính, bao gồm cả ngoại hối, được điều khiển bởi cảm xúc và tình cảm. Nếu lãnh đạo của một quốc gia hoặc ngân hàng trung ương công khai tuyên bố rằng họ sẽ thực hiện hành động để củng cố hoặc làm suy yếu đồng tiền của họ. Bất kể là họ có làm hay không, thì ngay lập tực các thị trường tài chính sẽ chao đảo dữ dội.

Kết luận

Trong lịch sử loài người, tiền tệ là một trong những yếu tố quan trọng nhất. Ngày nay, tiền tệ dần trở nên phức tạp hơn ý nghĩa ban đầu của nó. Tuy nhiên, nếu nắm rõ bản chất và cách vận hành của tiền thì việc đạt tự do tài chính là điều hoàn toàn có thể. Qua bài viết trên, hy vọng mình đã đem lại cho độc giả bức tranh toàn cảnh về tiền tệ. Đặc biệt là việc thao túng tiền tệ ảnh hưởng đến thị trường tài chính như thế nào. 

Lưu ý: Bài viết này chia sẻ chỉ là góc nhìn và quan điểm cá nhân của mình, không phải lời khuyên đầu tư. Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết

>> Xem thêm: Bitcoin là tiền ảo, vậy đâu là tiền thật?

>> Xem thêm: Người mới nên đầu tư gì để dễ kiếm tiền nhất

icons8-exercise-96