Tâm lý của các nhà đầu tư mới

Tâm lý là 1 yếu tố quan trọng không chỉ trong đầu tư mà còn trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Tất nhiên những người mới luôn phát sinh những tâm lý khi bắt đầu tham gia thị trường đầu tư tài chính, nhưng đừng lo lắng, đó là quá trình ai cũng phải trải qua, hãy hiểu bản chất của những yếu tố tâm lý đó, để có những định hướng và quyết định đúng đắn trong quá trình đầu tư của bản thân nhé! 

1. Tâm lý hứng khởi gia nhập

Cảm giác hồ hởi, tích cực học hỏi, mong muốn ” làm giàu” kiếm được nhiều tiền. Đây là cảm giác đầu tiên nảy sinh khi sự quan tâm đến việc đầu tư, được ” kích thích” bởi 1 sự kiện hay 1 thông tin nào đó. Ví dụ như khi bạn đọc được trên báo 1 tấm gương tuổi trẻ đầu tư làm giàu, hoặc bạn bè, đồng nghiệp phất lên nhờ đầu tư. Bạn khao khát được học nhiều điều mới mẻ và lạc quan trong tưởng tượng về tương lai.

Tâm lý này là bình thường nha, là kích thích tích cực để bạn bắt tay vào “hành động”. Mình cũng vậy, mỗi lần vào 1 nhóm mới nào đó mà mình thấy là tích cực thì cũng vẫn hồ hởi, thích lắm, ham được học từ mọi người lắm.

2. Tâm lý so sánh, cảm giác bất định

Sau khi gia nhập và học hỏi, gặp được nhiều chia sẻ, thấy nhiều tấm gương bạn bắt đầu ít hoặc nhiều có tâm lý ước chừng, so sánh. Kiểu như: anh/chị/cô/chú……thật giỏi, thật thành công, nhiều tiền, ……bao giờ mình mới được như vậy.

Giờ 1 tháng mình kiếm được có bây nhiêu, tiết kiệm được chút chút, chưa biết đầu tư gì, bao giờ mình mới có được xx tỷ, bao giờ mới được tự do tài chính,… Ai mà mang tâm lý này nhiều nhiều là dễ chưa đánh đã muốn từ bỏ con đường tiết kiệm và đầu tư từ sớm.

Một người dù đã đi được quãng đường bao xa thì vẫn phải đi những bước chân đầu tiên, không ai đang đứng ở đầu đường mà nhảy 1 phát xuống tới cuối đường được cả. Vấn đề là người ta đã đi trước rồi nên người ta ở gần đích đến hơn mình thôi. Mình cứ đi đi, chịu đi rồi sẽ đến.

3. Tâm lý sợ hãi

Cầm những hạt giống bạn tích góp mãi mới có được trong tay, bạn những muốn gieo xuống đất để hạt nẩy mầm, thành cây, đẻ ra nhiều hạt mới. Nhưng bạn cũng sợ nhỡ đâu mưa lụt hạt thối, nhỡ đâu chuột đào. Hay là thôi giữ vậy, gửi hạt cho ngân hàng nhận rồi nhận 1 khoản lãi nhỏ từ đó. Bạn băn khoăn, lưỡng lự mãi không quyết được.

Không có phi vụ đầu tư nào có thể chắc chắn 100%. Ngay cả các nhà đầu tư lão luyện cũng không ai dám chắc tất cả các quyết định đầu tư của mình sẽ luôn thành công. Dám chơi thì dám chịu, xác định mình có thể chịu được tới đâu để chơi tới đó, trước khi đầu tư thì nghiên cứu quy luật, luật chơi đối thủ,…. để quản lý vốn 1 cách chủ động nhất có thể thôi.

4. Tâm lý tham lam

Chúng ta hãy thừa nhận rằng là con người chúng ta đều có lòng tham. Chúng ta đều muốn được mà không muốn mất. Chúng ta chỉ muốn thắng mà không muốn thua. Các nhà đầu tư mới thường sợ thua và đầu óc hay nghĩ làm gì để thắng, tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi làm gì để thắng, chăm chỉ theo chân những người họ nghĩ là thành công để học cách thắng.

Việc này không phải là xấu, đây đơn thuần là vấn đề tâm lý. Vì không có dự án đầu tư nào là chắc thắng 100% cho đến khi bạn đã nắm được chiến thắng trong tay. Thậm chí trong 1 phi vụ đầu tư việc thắng, thua có thể luân phiên diễn ra. Người ta đi con đường của ta thành công không có nghĩa bạn đi theo đúng con đường đó cũng sẽ thành công. 

Bạn cứ tham đi nếu như bạn chưa thể kiểm soát được lòng tham của mình miễn là bạn nhận thức được và dám thừa nhận lòng tham mình đang mang. Nhưng đừng đặt cược tất cả những gì bạn có khi lòng tham vẫn đang kiểm soát bạn. Luôn để cho mình 1 cơ hội có thể quay đầu, có thể làm lại.

5. Tâm lý hoang mang, bối rối trước nhiều kiến thức

Bạn thích nghe những câu chuyện thành công, những chia sẻ, trải nghiệm và bạn dễ nhớ những câu chuyện này; nhưng bạn rất khó thấm được những bài viết mang các khái niệm, kiến thức kinh tế chứ chưa nói đến các bài viết có tính học thuật cao hơn nữa.

Bạn muốn học nhưng bạn không biết bắt đầu từ đâu. Mặc dù các cao thủ trong thị trường tài chính nói không nhất định phải hiểu biết nhiều các vấn đề đến thế vẫn có thể đầu tư thành công nhưng đứng ở góc độ cá nhân mình thì mình khuyên các bạn cứ nên đọc đi, không hiểu cũng chả sao, ít nhất là bạn biết có những điều đó. Tới lúc đủ duyên bạn sẽ hiểu.

Mình học được nhiều thứ chỉ từ những khái niệm, những điều rất nhỏ mình va phải rồi đọng lại trong đầu. Có thể không hiểu ngay nhưng giống như chơi trò chơi ghép hình vậy, từ mảnh ghép đầu tiên, nhặt dần, nhặt dần tới lúc bạn nhặt và ghép được cả bức tranh.

6. Tâm lý thần tượng

Đọc bài của những người thành công viết, bạn tưởng tượng ra họ là những người thành công hoặc có những người tỏ rõ mình là người thành công, bạn ngưỡng mộ, tôn trọng. Nhiều bạn dễ có xu hướng “thần tượng” nói gì cũng đúng hoặc ít có tư duy phản biện khi tiếp nhận chia sẻ của những người bạn tin tưởng, tôn trọng. Không phải tất cả mọi người đều như vậy nhưng cũng không thiếu những người” dễ tin người” như vậy.

Kinh nghiệm của mình là bạn nên giữ tư duy phản biện khi đứng trước bất kỳ ai, bất kỳ vấn đề gì. Con người là bất toàn, ai cũng có điểm yếu và khiếm khuyết, ai dù cố gắng khách quan đến đâu cũng không thoát khỏi được yếu tố chủ quan. Không ai luôn luôn đúng và khó ai nhìn được toàn vẹn nhiều vấn đề, nhiều khía cạnh. Phản biện không xấu. Phản biện không mang nghĩa không tin tưởng, nghi ngờ hay thiếu tôn trọng. Tư duy phản biện giúp bạn đào sâu, rộng vấn đề hơn. Phản biện và trao đổi 1 cách văn minh, lịch thiệp giúp không chỉ bạn mà cả những người khác đều tiến bộ.

Thêm nữa, thực tế là chúng ta chẳng biết ai là ai cả. Ngoài những điều chia sẻ ở đây thì người này, người kia trong tâm trí của bạn đều chỉ là tưởng tượng mà thôi. Bạn không thể thực sự biết họ là người như thế nào. Bởi vậy, điều bạn cần quan tâm là họ chia sẻ gì và có phù hợp với bản thân để áp dụng hay không.

Lời kết

Đôi điều về tâm lý của các nhà đầu tư mới, các bạn thử xem có gặp bản thân mình trong đó không nhé! Hãy chấp nhận đó là 1 phần của bản thân và quá trình đầu tư, dù có lúc up up, down down, vì bản chất của cuộc đời là vô thường, bản chất của đầu tư là “tính toán xác xuất” chứ không phải “chắc chắn”. Nên trong quá trình đầu tư phải học tập và trau dồi liên tục, để dần đạt được bản lĩnh xử lý và ra quyết định tối ưu khi bản thân đối mặt với rất nhiều vấn đề không muốn xảy đến trong thị trường tài chính đầy khắc nghiệt này.

icons8-exercise-96