Khi ở lứa tuổi sinh viên chắc hẳn rất ít bạn để ý đến việc đầu tư tài chính, nhưng có lẽ đây là 1 yếu tố khá quan trọng giúp bạn trong cuộc sống sau này khi ra trường.
Các bạn sinh viên đặc biệt là những bạn năm cuối luôn tràn đầy nhiệt huyết trong cuộc sống, với mong muốn đóng góp công sức cho xã hội và đặc biệt là kiếm tiền báo hiếu lại cho cha mẹ sau 15-16 năm đèn sách. Ra trường đi làm việc có lương cao đương nhiên là mục tiêu mà bất kỳ bạn sinh viên nào cũng nhắm đến, nhưng việc đó chỉ nuôi sống được cho bản thân bạn và gia đình. Nếu bạn muốn có đủ tài chính để mua nhà đặc biệt giá bất động sản ngày một tăng cao, thì chỉ đi làm lương cao không là chưa đủ, mà cần phải có một giải pháp tốt hơn. Đó chính là đầu tư tài chính.
Mục lục
1. Tại sao sinh viên phải đầu tư tài chính?
Trong một lần may mắn, tôi đã được một người quen giới thiệu cho quyển sách “Cha giàu cha nghèo” của Robert Kyosaki kèm lời dặn “Anh hãy đọc đi, sẽ thay đổi tư duy của anh nhiều lắm đó”. Đây là quyển sách tài chính đầu tiên trong đời mà tôi đọc, và nó quá tuyệt vời, đúng là nó thay đổi hoàn toàn nhận thức của tôi về cách kiếm tiền trong xã hội này. Tôi hiểu được vì sao người giàu ngày càng giàu thêm, người nghèo, người trung lưu cứ mãi làng nhàng như vậy không bức phá lên được.
Các bạn có biết trong xã hội này, mỗi người đều có các cách kiếm tiền khác nhau, nhưng tựu trung lại có bốn nhóm người (hay còn gọi là Kim Tứ Đồ) như sau:
- (A) Người làm công ăn lương.
- (B) Người tự kinh doanh riêng. VD: Bà chủ tiệm tạp hóa, chủ quán cafe vỉa hè…
- (C) Chủ doanh nghiệp. Nhóm này khác với nhóm người tự kinh doanh ở chỗ, nếu họ vắng mặt ở doanh nghiệp một thời gian thì doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường, có quy cữu.
- (D) Nhà đầu tư.
Hẳn đọc tới đây chúng ta đều thấy đại đa số chúng ta (khoảng 80-90%) đều nằm trong hai nhóm đầu tiên. Nhưng bạn có biết 90% lượng tiền trong xã hội nằm ở hai nhóm còn lại (C và D), và nhóm người làm công ăn lương, tự kinh doanh chính là nhóm người giúp cho nhóm C và D ngày càng giàu thêm, ngày càng kiếm được nhiều tiền hơn. Vì sao lại thế?
Bởi vì trong suốt 12 năm học phổ thông rồi thêm 3, 4 năm học Cao đẳng, Đại học chúng ta chỉ được đào tạo về các kiến thức cơ bản, kiến thức chuyên môn. Chẳng có một thầy cô nào dạy cho chúng ta kiến thức về tài chính, cách để làm tiền đẻ ra tiền. Có chăng là các bạn nhà có điều kiện (gọi vui là Rich Kid) được cha mẹ truyền cho những kiến thức về đầu tư tài chính nên họ sẽ có thể học được cách kiếm tiền của cha mẹ để gia nhập vào nhóm người C và D.
Vậy nếu bạn muốn tiến xa hơn, muốn bứt phá trong vấn đề tài chính, các bạn sinh viên phải đầu tư tài chính. Đây chính là chìa khóa của sự thịnh vượng trong tương lai. Các bạn còn trẻ, còn nhiều thời gian, đầu óc vẫn còn minh mẫn để học hỏi, nếu sai các bạn vẫn còn thời gian để làm lại.

2. Kiếm tiền bằng cách đầu tư tài chính là làm thế nào?
Hai nhóm C và D số tiền họ kiếm được chủ yếu từ thu nhập thụ động, thu nhập chủ động (tiền lương… chỉ là phụ). Tức là họ nằm ngủ không cần làm gì cũng kiếm được tiền. Kể cả bạn là chủ doanh nghiệp (ví dụ tổng giám đốc) thì cho dù bạn có đi nghỉ mát thì doanh nghiệp vẫn vận hành trơn tru đem tiền từ lợi nhuận cổ phiếu về cho chính bạn.
Còn với nhà đầu tư, họ chỉ cần mua một loại tài sản gì đó, có thể là bất động sản, cổ phiếu, crypto… để trong thời gian dài từ 5-10 năm, số tiền họ kiếm được có thể bằng cả ba đời bạn cộng lại đấy. Hãy tưởng tượng bạn bỏ ra 10 USD để mua Bitcoin đầu năm 2010 khi giá của nó chỉ là 0,00076 USD / Bitcoin, thì chỉ cần 12 năm bạn đã có… 394 triệu USD, bạn nghĩ cả gia đình bạn sẽ phải đi làm công ăn lương bao lâu để có được số tiền này?
Còn hai nhóm A và B nếu bạn không đi làm thì bạn sẽ không có tiền, có điều bạn sẽ không cần suy nghĩ ngày mai cần làm gì để kiếm được nhiều tiền hơn (ngoài việc được tăng lương hàng năm), cứ đến cuối tháng là lãnh lương, nó rất an toàn. Chính điều này đã gây ra sự chây ì trong não bộ khiến bạn không bao giờ thoát được khỏi cạm bẫy “thu nhập trung bình” ngọt ngào.
3. Kiến thức là chìa khóa của thành công khi đầu tư tài chính
Nhưng làm sao để gia nhập nhóm C, D. Liệu cứ đầu tư cổ phiếu A, B, C nào đó hay ra mở một công ty thì chúng ta sẽ trở thành một chủ doanh nghiệp hay nhà đầu tư thành công?
Câu trả lời là bạn phải học, học thật nhiều. Bạn cần 15 – 16 năm đi học để đi kiếm được những đồng lương nuôi sống bạn hằng ngày, thì không thể nào trong một sớm một chiều bạn có thế giàu được nếu cứ vung tiền vô tội vạ.
Trước tiên bạn hãy đọc những quyển sách về đầu tư tài chính, về kiến thức tài chính như: Cha giàu cha nghèo, Thịnh vượng tài chính tuổi 30, Bí quyết gầy dựng cơ nghiệp bạc tỷ… Tác giả của những quyển sách này đã mất cả chục năm thậm chí nửa đời người để truyền thụ lại cho đời sau, vì thế bạn đừng bỏ qua những kinh nghiệm quý báu của họ.

Cách tiếp theo là tham gia những khóa học về đầu tư tài chính một cách bài bản. Như đã nói ở phần trên, trong suốt quãng đời đi học, các bạn chưa bao giờ được học các kỹ năng về tài chính, chí vì thế các bạn cần phải bổ sung thêm những kiến thức mới này.
Khi đi học bạn làm sai, bạn bị trừ điểm. Khi đi làm bạn làm sai, bạn bị trừ lương hay cùng lắm bị đuổi việc. Nhưng khi sinh viên đầu tư tài chính, mở doanh nghiệp nếu bạn làm sai bạn có thể mất cả một gia tài là công sức bạn gầy dựng suốt bao nhiêu năm. Rất nhiều người mới vội vàng gia nhập nhóm C, D với một cái đầu rỗng, chỉ mang trong mình niềm tin làm giàu dẫn đến thua lỗ, tán gia bại sản, tồi tệ hơn họ còn tìm cách kết liễu cuộc sống. Chính vì thế hãy học hỏi càng nhiều càng tốt, tiền bạn mất trong thị trường tài chính hãy ít thôi, tốt nhất chỉ là học phí.
Lời kết
Câu nói “Làm giàu không khó” đối với tôi là không đúng, mà “Làm giàu rất khó” phải tôi luyện ý chí, kỹ năng trong ít nhất hàng chục năm mới đem lại thành quả. Nói thế để các bạn hiểu việc đầu tư tài chính là một việc không dễ đối với các bạn sinh viên trẻ còn thiếu đủ mọi loại kỹ năng, kinh nghiệm. Nhưng mong các bạn sinh viên cũng đừng nản chỉ, hãy học tập, rèn luyện các kỹ năng tài chính rồi thành quả sẽ đến với các bạn trong một ngày không xa. Người thất bạn trong thị trường tài chính là những người bỏ cuộc giữa chừng, người thành công là người trụ được tới cùng.
>> Một người mới sẽ học như thế nào khi vào thị trường Crypto