Phân tích kỹ thuật là trường phái mà khi nhắc đến đầu tư tài chính ai cũng đều quan tâm và nghe nói đến. Phân tích kỹ thuật dựa vào biến động của quá khứ và hiện tại để có xu hướng đầu tư trong dài hạn, trung hạn và ngắn hạn. Đối với Crypto thì phân tích kỹ thuật được ứng dụng nhiều ở những đồng coin có volume lớn như BTC và ETH.

Mục lục
1. Phân tích kỹ thuật bắt nguồn từ đâu?
Ở châu Á phân tích kỹ thuật bắt nguồn từ Nhật Bản, vào đầu thế kỷ 18 có 1 thương nhân buôn bán gạo là Homma Munehisa đã tạo nên mô hình nến dựa vào việc theo dõi giá gạo hằng ngày để tính toán việc nhập xuất hàng trong tương lai, nhưng đó chỉ là sơ khai ban đầu. Ở phương tây thì phân tích kỹ thuật đã có hơn 100 năm lịch sử, từ một người tên là Charles H. Dow. Ông là người đã sáng lập lên tạp chí phố Wall (The Wall Street Journal). Sau nhiều năm nghiên cứu, năm 1884 ông đưa ra chỉ số bình quân của giá đóng cửa của 11 cổ phiếu quan trọng nhất thị trường Mỹ thời gian đó.
William Peter Hamilton là người thực sự mang lại sức sống cho những nghiên cứu của Dow bằng việc tiếp tục nghiên cứu và xuất bản cuốn sách “The Stock Market Barometer” (Phong vũ biểu thị trường chứng khoán) vào năm 1922.
Suốt những năm 1920 và 1930, Richard W. Schabacker là người đã đã đi sâu vào những nghiên cứu của Dow và Hamilton, Schabacker là người đã đưa ra khái niệm đầu tiên về Phân tích kỹ thuật. Schabacker từng là chủ biên của tạp chí Forbes nổi tiếng. Ông chỉ ra rằng những dấu hiệu mà lý thuyết Dow đưa ra được với chỉ số bình quân thị trường vẫn giữ nguyên giá trị và tầm quan trọng khi áp dụng vào đồ thị của từng cổ phiếu riêng lẻ. Điều này đã được ông thể hiện và chứng minh trong cuốn sách của mình: “Stock Market Theory and Practice, Technical Market Analysis and Stock Market Profit”.
Như vậy để phân tích kỹ thuật trở thành công cụ được ứng dụng rộng rãi như ngày nay, các nhà phân tích đã trải qua 1 quá trình nghiên cứu dày công. Thế hệ sau chỉ cần áp dụng thì việc đầu tư đã trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên không dừng lại ở đó, các phương pháp phân tích kỹ thuật mới ngày nay vẫn liên tục được phát triển để đáp ứng như cầu thời đại.
2. Nguyên tắc lý thuyết của Phân tích kỹ thuật
Những nhà đầu tư nhỏ lẻ thường tìm kiếm 1 trường phái nào đó để theo nhằm tăng cao xác suất thắng của mình, nhưng sau nhiều lần đi hết phương pháp này đến phương pháp khác vẫn không tìm ra được con đường riêng cho mình. Nhưng đến 1 lúc nào đó khi ngẫm lại và nhìn bên trong quá trình trải nghiệm, dần họ sẽ tìm ra triết lý và phương pháp đầu tư phù hợp cho riêng họ.
Khi nói đến PTKT nhiều người sẽ nghĩ đến các công cụ chỉ báo thay vì đường giá, nhưng họ lại quên rằng đường giá chạy rồi mới đến các công cụ. Nên nhìn vào đường giá ta có thể phán đoán được xu hướng đi tiếp theo của thị trường. Đường giá được tạo nên bởi tâm lý của nhà đầu tư do ảnh hưởng bởi tin tức, cảm xúc, hệ tư duy, tình hình kinh tế, chính trị,…
Các nguyên tắc lý thuyết trong PTKT:
- Mọi biến động trên thị trường được phản ánh ở giá
- Biến động giá không phải ngẫu nhiên, mà được vận động theo xu thế
- Tương lai chính là sự lặp lại của quá khứ
3. Các loại hình PTKT phổ biến
3.1 Mô hình nến Nhật (Candlestick)

Mô hình này được các nhà đầu tư sử dụng phổ biến nhất. Khi nhìn vào biểu đồ này sẽ thấy các thông tin trong 1 cây nến như giá mở cửa – đóng cửa, giá thấp nhât – cao nhất, theo các khung thời gian như m1, m3, m5, h1, h4, D1, W1, 1M…
3.2 Mô hình sóng Elliott (Elliott Wave)

Với mô hình Elliott nhà đầu tư có thể nhìn thấy xu hướng thị trường và những lần điều chỉnh giá để ra quyết định đầu tư.
Ralph Nelson Elliott cha đẻ của phương pháp này đã viết trong cuốn sách “Nguyên tắc của sóng”: Thị trường được vận hành theo chu kỳ lặp đi lặp lại, hầu hết sẽ chịu ảnh hưởng bởi cảm xúc của nhà đầu tư bị tác động bởi tin tức hoặc tâm lý đám đông.
3.3 Lý thuyết Dow (Dow Theory)

Dow Theory được ví như cha đẻ của phân tích kỹ thuật, hầu hết các lý thuyết sau này được sinh ra từ lý thuyết Dow. Khi đề cập đến Dow sẽ có 3 điều kiện giả thuyết quan trọng và chấp nhận chúng 1 cách vô điều kiện:
Không ai có thể thao túng được xu hướng chính của thị trường: Xu hướng có thể hiểu là sự đồng thuận về hành vi của toàn bộ thị trường. Để thao túng thị trường, bạn cần phải nắm phần lớn thị phần của lĩnh vực đó. Vậy, ai có thể thao túng thị trường trong thời gian dài để dịch chuyển xu hướng chính? Đó là điều không thể xảy ra!
Mọi thứ đều được phản ánh trên giá: Như chúng ta đã phân tích ở trên, đối tượng của PTKT chính là giá thị trường. Tất cả các yếu tố ảnh hưởng đến giá như tình hình kinh tế, chính trị, tâm lý con người, ảnh hưởng của các hàng hoá, sản phẩm, v.v… đều sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá cả thị trường.
Đây không phải là công cụ hoàn hảo: Và cuối cùng, Lý thuyết Dow đưa ra những nguyên lý căn bản nhất của thị trường. Tuy nhiên, đây là phương pháp bị ảnh hưởng khá nhiều vào yếu tố cá nhân. Vì thế, khi phân tích dựa trên lý thuyết này, nhà đầu tư cần phải xem xét cả những yếu tố khách quan, thay vì chỉ dựa vào những ưu tiên hay mong muốn chủ quan của bản thân mình.
3.4 Ứng dụng dãy Fibonacci (Fibonacci series)

Nhà toán học Leonardo Pisano là người đã phát minh ra phương pháp này. Dãy Fibonacci được hình thành dựa trên nguyên tắc số sau (từ trái sang phải) được xác định bằng tổng của 2 số trước. Khi ứng dụng dãy số này vào PTKT, chúng ta phân chúng thành 2 loại là Fibonacci Retracement (Fibonacci thoái lui) và Fibonacci Extension (Fibonacci mở rộng). Hiện nay, có nhiều công cụ và phần mềm hỗ trợ nhà đầu tư sử dụng Fibonacci trong PTKT.
3.5 Ứng dụng xu hướng (Trendline)

Trendline là công cụ xác định xu hướng thị trường dựa trong 1 khung thời gian tương ứng trước đó. Nếu đường này được kẻ từ những vùng giá giảm thì đó là đường hỗ trợ, còn ở vùng giá tăng thì gọi là đường kháng cự.
Dựa vào đường xu hướng, ta có thể xác định thị trường đang ở giai đoạn uptrend, downtrend, sideway.
3.6 Ứng dụng chỉ số RSI
RSI (chỉ số sức mạnh tương đối) là bộ dao động cho biết thị trường đang ở giai đoạn nào để xác định tín hiệu tốt mua vào hay bán ra.
RSI tỷ lệ đúng đối với khung ngày sẽ cao hơn so với các khung giờ khác, như <30 là vùng quá bán, còn >70 là vùng quá mua. Dựa theo đây bạn có thể phân bổ nguồn vốn dần để mua vào. Tuy nhiên cũng phải xác định được yếu tố phân kỳ trong RSI để có lựa chọn đúng
Ngoài ra còn nhiều công cụ chỉ báo khác, trong các bài viết tiếp theo mình sẽ cập nhật…
4.Ưu và nhược điểm của PTKT
Bất kỳ phương pháp nào cũng chỉ mang tính chất tương đối, để vào được lệnh bạn cần cân nhắc nhiều yếu tố bên ngoài PTKT để đưa ra quyết định đúng đắn.
– Ưu điểm
Khả năng dự đoán tương lai
Bằng cách nhìn vào đường giá đã diễn ra, nhà đầu tư có thể dự đoán giá tương lai nhờ vào xu hướng và quy luật cung cầu. Đây là một trong những cách dễ nhất nếu áp dụng thuần thục.
Thông tin giá trong quá khứ
Phân tích kỹ thuật là công cụ ghi lại thông tin của đường giá trong quá khứ để giúp bạn ra quyết định cho cơ sở mua bán trong tương lai.
Ngưỡng hỗ trợ & kháng cự
Nếu phân tích kỹ thuật dựa vào chỉ số, biểu đồ để làm cơ sở ra vào lệnh thì các ngưỡng hỗ trợ, kháng cự như 1 cơ sở bổ sung giúp cho tài khoản của nhà đầu tư an toàn.
Xác định thời điểm đầu tư
Thời điểm là yếu tố cực kỳ quan trọng, nếu bạn vào ngay thời điểm thị trường đang FOMO thì xác suất thua rất cao. Bạn cần kiên nhẫn chờ đợi những thời điểm thị trường bán tháo đi rồi phân bổ vốn vào sẽ giúp bạn có vị thế tốt hơn.
– Nhược điểm
Không phải lúc nào cũng đúng
Phân tích kỹ thuật chỉ mang tính tương đối, dù là phương pháp nào đi nữa thì cơ sở ban đầu cũng xuất phát từ đường giá. Nên đường giá là yếu tố phản ánh đầu tiên. Nhìn vào dài hạn, trung hạn để làm cơ sở cho ngắn hạn.
Không phải nhà PTKT nào cũng có kết quả giống nhau
Mỗi phương pháp phân tích kỹ thuật chỉ có tính đúng tại 1 thời điểm và mang tính chất tham khảo tăng xác suất vào lệnh. Mỗi phương pháp đúng khi không còn đúng nữa. Không nên quá dựa dẫm vào 1 phương pháp nào đó mà xem là chén thánh mà phải tìm ra được phương pháp nào phù hợp với bạn.
Độ trễ
Đường giá xuất hiện rồi mới đến các công cụ chỉ có phân tích kỹ thuật theo sau, nên phương pháp cũng sẽ có độ trễ nhất định. Không nên quá phụ thuộc vào chỉ báo để quyết định mua hay bán, nên nhìn vào xu hướng, dòng tiền và tâm lý đám đông.