Tình hình kinh tế khó khăn hiện nay dẫn đến lạm phát rất nhiều ở các nước trên thế giới, vì vậy thời gian gần đây FED đã liên tục nâng mức lãi suất lên để có thể làm giảm tình hình lạm phát hiện tại. Nhưng lạm phát có chắc hẳn sẽ không tốt cho đất nước? Bạn hãy cùng đọc bài viết để có thêm góc nhìn từ mình chia sẻ nhé.
Mục lục
Lạm phát là gì?
Lạm phát là hiện tượng xảy ra khi mức giá chung của các loại hàng hoá và dịch vụ gia tăng, hay chúng ta còn gọi là hiện tượng tiền mất giá. Theo đó sức mua của một đơn vị tiền tệ sẽ bị giảm xuống.

Ví dụ: Hiện tại giá của một ổ bánh mì bình thường nằm trong khoảng 15.000 VNĐ – 30.000 VNĐ, nhưng khoảng 10 năm trước chỉ có giá 5.000 – 7.000 VNĐ. Sau 10 năm, lạm phát xảy ra và 7.000 VNĐ chỉ mua được một nửa ổ bánh mì.
Cách nhận biết lạm phát
Lạm phát là sự kiện xảy ra hàng ngày trong cuộc sống của chúng ta, và chúng ta chỉ thực sự cảm nhận được tác động rõ rệt của lạm phát trong một khoảng thời gian dài hoặc khi nền kinh tế xảy ra những biến cố.
Một số cách để có thể nhận biết lạm phát như sau:
- CPI (chỉ số giá tiêu dùng): Đây là chỉ số thường được sử dụng để tính toán lạm phát, nếu chỉ số này tăng có nghĩa là lạm phát có sự tăng trưởng và ngược lại.
- Cung tiền: Cung tiền tăng cũng có thể dẫn đến lạm phát tuy nhiên khi theo dõi chỉ số này bạn cũng cần chú ý so sánh tới tốc độ tăng cung tiền và tốc độ tăng trưởng GDP. Nếu cung tiền tăng nhanh hơn GDP thì có thể là một nguyên nhân dẫn đến lạm phát.
- Lãi suất: Lãi suất tăng cũng có thể là một dấu hiệu cho thấy sự lạm phát, do lạm phát là một thành phần cấu thành nên lãi suất.
Nguyên nhân dẫn đến lạm phát
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến lạm phát nhưng mình sẽ tập trung vào nguyên nhân chính là do tiền tệ. Cụ thể, tình trạng này thường xảy ra khi một quốc gia có tốc độ “in tiền” nhanh hơn tốc độ sản xuất hàng hóa dịch vụ (hay tăng trưởng kinh tế). Việc có “nhiều tiền” trên thị trường hơn so với số lượng hàng hoá dịch vụ tăng thêm sẽ dẫn đến việc giá cả có sự gia tăng.
Tác động của lạm phát
Bản chất của nền kinh tế phải phụ thuộc vào lượng hàng hoá dịch vụ được sản xuất và tiêu thụ gia tăng, chứ không phải là có nhiều tiền trong nền kinh tế và tiền chỉ là một công cụ giúp chúng ta trao đổi mua bán hàng hóa dễ dàng hơn.
Do đó, mục tiêu tăng trưởng kinh tế phải được đưa lên hàng đầu, và nghiên cứu đã chỉ ra rằng lạm phát (ở một tỷ lệ hợp lý) sẽ mang lại nhiều lợi ích và tốn ít chi phí hơn so với giảm phát.
Giảm phát là sự sụt giảm trong mức giá chung của các loại hàng hóa hay dịch vụ, điều này sẽ làm gia tăng giá trị của tiền tệ trong thị trường. Tuy nhiên, giảm phát có thể gây ra một số ảnh hưởng tiêu cực như sau:
Đối với ngành sản xuất, việc giá hàng hóa sụt giảm làm cho doanh thu của các công ty sẽ ít đi dẫn đến mất động lực sản xuất.
Với nền tài chính, đồng nội tệ tăng giá trị sẽ làm cho nhiều người muốn giữ tiền mặt hơn là đi tiêu xài. Chính điều này làm cho các dòng chảy tiền tệ bị ứ đọng.
Khi mà giá cả giảm, tình trạng thiếu việc làm và người tiêu dùng tích trữ tiền với dự đoán là giá cả còn giảm nữa, điều này sẽ làm hại nền kinh tế, truyền lực cho thói quen tiết kiệm và cứ thế xoáy xuống.
Do đó hầu hết các quốc gia không muốn đồng tiền của mình giảm phát.
Như vậy, có thể kết luận được rằng tiền Fiat của các quốc gia đã, đang và sẽ luôn luôn tiếp tục mất giá theo thời gian, đặc biệt trong những thời kỳ xảy ra khủng hoảng như hiện nay.
Kết luận
Qua bài viết chắc hẳn bạn đã thấy được tầm quan trọng của lạm phát, lạm phát không hẳn là xấu hoàn toàn. Nếu lạm phát được kiểm soát đúng thì giúp cho đất nước phát triển. Mong rằng qua bài viết giúp bạn có thêm góc nhìn về việc lạm phát.
Chúc bạn thành công.
>> Xem thêm: Crypto được sử dụng để rửa tiền như thế nào?
>> Xem thêm: Gieo hạt tài chính – Trải nghiệm khoá học miễn phí