Cuộc sống sẽ tạo ra vô vàn những điều như ý hay bất như ý cho bạn. Việc của bạn là hãy quan sát rút ra bài học cho chính bạn.
Có rất nhiều cách học như: học ở trường, học qua sách, học từ các khóa học, học từ thực tế cuộc sống của chính mình, học qua cách lắng nghe từ chia sẻ người khác…. Và hôm này cách học tôi nhắc đến là học cách lắng nghe qua những câu chuyện kể. Hay còn gọi là bài học từ trải nghiệm.
Bạn chỉ có thể học từ trải nghiệm của người khác khi tâm bạn rộng mở yêu thương, đón nhận nó ở nhiều góc nhìn khác nhau. Đó có thể là câu chuyện thành công tạo động lực cho bạn phấn đấu hoặc thất bại chứa đầy nỗi buồn làm tim nhói đau.
Câu chuyện có hay, có thú vị đến đâu nếu bạn không chú ý lắng nghe, nếu bạn phán xét, so sánh thì bạn cũng chẳng tích lũy được bất kỳ điều gì trong hành trình cuộc sống của chính mình.
Gần đây tôi có duyên được tham gia buổi chia sẻ cùng với những anh, chị, em đến từ những môi trường làm việc khác nhau và được lắng nghe câu chuyện của mọi người là điều may mắn đối với tôi. Mọi người đến đây đều có câu chuyện của riêng mình nhưng tất cả đều có cùng đam mê là được chia sẻ tạo giá trị cho cuộc sống. Những bài học tôi nhận ra là:
Mục lục
Bài học về nhận trách nhiệm 100%
Tôi là người vào trễ nhất buổi chia sẻ hôm ấy. Tôi thật sự cảm ơn người chị đã gọi cho tôi để bản thân không bị lỡ buổi làm việc cùng mọi người! Ngay lập tức, một lý do xuất hiện trong đầu, tôi cứ check mail mãi mà không thấy thư đến, ai ngờ thông tin buổi phỏng vấn được gửi qua telegram nên tôi mới vào trễ. Khoan, khoan, dừng lại nào. Tôi phải chịu trách nhiệm 100% cho mọi việc trong cuộc sống của tôi, dừng đổ lỗi, dừng bao biện cho chính mình vì lý do tại, bị, vì, nên.
Khi làm việc với sếp điều sếp quan tâm là kết quả, hãy hành động và chịu trách nhiệm 100% về kết quả, ngừng đổ lỗi. Và đây cũng là điều anh Hiếu Nguyễn – Founder cuả Học Viện Đầu Tư Tài Chính chia sẻ trong buổi làm việc ngày hôm ấy.

Còn một lý do tuyệt vời mà bạn nên ngừng đổ lỗi ngay lập tức nhé, bật mí cho bạn nghe nè. Vì tư duy nạn nhân, nó là gốc rễ xuất hiện trong đầu bạn ngay từ lúc còn nhỏ. Một hình ảnh quen thuộc chúng ta từng thấy: Khi trẻ con té ngã và khóc; ông bà ở nhà thường hay bế bé lên, đánh vào cái bàn, cái ghế và nói là tại mày làm cho cháu tao té. Tư duy nạn nhân đó các bạn.
Và khi chúng ta đóng vai nạn nhân thì chúng ta không rút ra được kinh nghiệm và học được bài học mới. Càng có tư duy nạn nhân thì chúng ta càng sầu, càng khổ do mọi thứ trong cuộc đời ta phụ thuộc vào yếu tố bên ngoài và mất đi tính tự chủ.
Trên thực tế, chúng ta là người kiến tạo nên cuộc sống của mình. Tôi hỏi nhỏ bạn nè: “Bạn có bao giờ được mời làm diễn viên chưa?”. Và hôm nay, tôi trân trọng kính mời bạn làm diễn viên chính kiêm đạo diễn trong bộ phim mang tên cuộc đời bạn. Nghe sướng và hoành tráng chưa các bạn?
Tóm lại, bạn muốn thành công hãy đứng lên nhận trách nhiệm, rút ra bài học và hành động. Và kết quả nói lên tất cả nhé.
Bài học rút ra từ cách quan sát, đặt câu hỏi và tiến bộ 1% mỗi ngày
Trong buổi làm việc, tôi ấn tượng với Khoa vì những kiến thức bạn chia sẻ, cách bạn quan sát rồi đặt câu hỏi “Tại sao mấy sếp đi làm tiền lương khoảng 1 tỷ/năm mà mua nhà 20-30 tỷ?”. Phần chìm của tảng băng trôi, cái mà chúng ta không thấy bởi vì ngoài làm công ăn lương thì họ có thể còn là một nhà đầu tư, họ tích lũy và mua tài sản, họ có nguồn thu nhập thụ động,…
Theo quan sát của tôi, phần đông mọi người nhầm lẫn giữa tài sản và tiêu sản, họ không biết về kim tứ đồ. Cha, mẹ, ông, bà thường hay khuyên con, cháu là học thật giỏi ra trường đi làm kiếm công việc có lương cao. Họ đánh đồng tiền lương là thu nhập nhưng thực ra tiền lương là một phần của thu nhập. Và câu hỏi dành cho mọi người là làm sao để có thu nhập thụ động?
Bạn muốn biết thế nào là tài sải, tiêu sản, kim tứ đồ thì mời bạn đọc bộ sách Cha giàu cha nghèo của tác giả Robert Kiyosaki. Đặc biệt là quyển số 1 và số 2 trong bộ sách sẽ giúp bạn nhận ra sự khác nhau trong tư duy của người giàu và người nghèo nếu xét theo khía cạnh về tài chính.

Và còn một điều tôi nhận ra nữa là độ trưởng thành của một người không phụ thuộc vào độ tuổi mà kiến thức, kinh nghiệm sống mới quyết định.
Tôi lớn hơn người khác ở cơ thể vật lý, nhưng kiến thức, kinh nghiệm về thị trường tài chính còn nhiều hạn chế. Thầy của tôi là những người mà tôi tiếp xúc và giỏi hơn tôi ở một lĩnh vực chuyên môn nào đó. Hãy hạ cái tôi và rút ra những bài học rồi thực hành để trưởng thành, để hoàn thiện chính mình.
Và tôi cũng tự nhắc nhở mình đừng thấy người khác giỏi rồi ganh tị hay so sánh với chính mình để sinh ra tự ti, mặc cảm. Tôi chỉ cần giỏi hơn tôi của ngày hôm qua. Công thức là hãy tiến bộ 1% mỗi ngày. Chúc chúng ta thành công, hạnh phúc với sự lựa chọn và nỗ lực của chính mình mỗi ngày.
Bài học về sức mạnh của nghị lực và hiện tại
Nghe câu chuyện anh An kể: “anh đã mất trắng toàn bộ tài sản của mình, all in tất cả tài sản vào thị trường crypto mà không học hỏi tìm hiểu cách đầu tư tài chính, tham gia như con bạc thiêu thân vào lửa, anh suy sụp một thời gian dài, sau đó anh quay lại kiên trì học tập kiến thức, rút ra bài học với tinh thần nghiêm túc.”
Tôi thầm cảm ơn anh đã dạy cho mình bài học về sự nghị lực, đứng lên sau khi thất bại và tiếp tục hành trình với thị trường tài chính! “Ngã ở đâu đứng lên ở đó” là câu anh nói. Nhìn thị trường sập đỏ thì anh mừng vì đó là cơ hội cho anh vì giờ thị trường xanh anh vốn ít không mua được nhiều. Tôi đồng cảm với anh và cũng cảm thấy vui khi thị trường đỏ lửa!
Chúc mừng anh đã chiến thắng nỗi sợ của chính mình. Ngoài kia, có rất nhiều người từ bỏ thị trường sau khi ví tiền bị cháy, thậm chí họ không dám nhìn lại vì sợ đối mặt với trải nghiệm đó.
Đôi khi, chúng ta loay hoay với nỗi đau trong quá khứ, bận suy tư, lo lắng cho tương lai nhưng lại quên hiện tại mới là điều quan trọng nhất. Hãy để quá khứ ngủ yên, đặt câu hỏi tích cực về những trải nghiệm, tìm ra câu trả lời để không phải lặp lại vết xe đó. Hiện tại là bạn có mặt ở đây vào giây phút này. Cũng như cách bạn có mặt ở đây vào lúc này và đọc những dòng chia sẻ này của tôi.
Bạn ơi, hãy đặt mục tiêu, liên tục học tập sau đó tập trung làm tốt công việc ở đây và bây giờ. Kết quả là điểm đến, còn hành trình đi đến đó phải ở giây phút này. Hãy tận hưởng quá trình ấy, những giây phút vui vẻ, hạnh phúc, có lúc yếu đuối pha lẫn nước mắt để rồi khi nhìn lại mỉm cười với hành trình bạn đã trải qua.

Sống và làm việc thuận theo dòng chảy của tự nhiên rồi phép màu sẽ xuất hiện giống như cầu vồng sau mưa. Biết ơn tất cả những trải nghiệm trong quá khứ để chúng ta thêm trân trọng giây phút hiện tại.
Những bài học tôi đúc kết trong buổi làm việc ngày hôm đó là chịu trách nhiệm 100%, cách quan sát lắng nghe đặt câu hỏi, sức mạnh của nghị lực và trân trọng giây phút hiện tại. Bạn đã rút ra điều gì cho riêng bạn sau khi đọc bài viết này? Mong rằng tâm bạn luôn rộng mở yêu thương để đón nhận những bài học cuộc đời. Cách học khôn ngoan nhất là học từ trải nghiệm của người khác giúp chúng ta rút ngắn được thời gian trưởng thành, không phải tự thân trải nghiệm bài học. Cám ơn các bạn đã dành thời gian đọc bài viết.
Yêu thương và biết ơn!