Mục lục
Funding rate là gì?
Funding rate (hay còn gọi là funding fee) là khoản thanh toán định kì giữa các trader 2 phe long & short, con số này sẽ được tính dựa theo sự chênh lệnh giữa giá tài sản ở thị trường giao ngay (spot) và giá tài sản tại thị trường không kỳ hạn (futures). Funding rate thường được biểu diễn dưới dạng phần trăm.
Dựa vào định nghĩa, trader có thể phải trả tiền hoặc được trả tiền tuỳ thuộc vào vị thế và tỉ lệ funding rate.
- Nếu funding rate dương: Giá futures của tài sản đang cao hơn so với giá spot. Trader đặt lệnh long sẽ là những người trả tiền cho trader đặt lệnh short.
- Nếu funding rate âm: Giá futures của tài sản đang thấp hơn so với giá spot. Trader đặt lệnh short sẽ là những người trả tiền cho trader đặt lệnh long.
Funding rate thể hiện tâm lý trader nói riêng và tâm lý thị trường nói chung. Trong các giai đoạn bull market, funding rate thường là con số dương thể hiện tâm lý lạc quan của trader. Ngược lại, trong các đợt điều chỉnh gần đây, funding rate thường là số âm, thể hiện tâm lý bi quan của trader.
Tuy vậy, trong các trường hợp sự kiện đặc biệt, funding rate có thể tăng hoặc giảm mạnh mà không hoàn toàn thể hiện tâm lý thị trường.
Tại sao cần có funding rate?
Ở thị trường tài chính truyền thống, các hợp đồng tương lai sẽ luôn có thời gian đáo hạn, thời điểm thanh toán có thể là 1 tháng, 3 tháng hoặc thậm chí một năm tuỳ vào điều khoản của hợp đồng. Tại thời điểm thanh toán, dù lời hay lỗ vị thế đó bắt buộc phải đóng lại, khi đó giá giao dịch hợp đồng tương lai sẽ hội tụ với giá giao dịch spot.
Khác với thị trường truyền thống, các sàn phái sinh crypto thường sử dụng hợp đồng thông minh không kỳ hạn, nghĩa là về lý thuyết nhà đầu tư có thể duy trì vị thế của mình vĩnh viễn, không lo về kỳ hạn và cũng không có thời điểm thanh toán định kỳ. Điều này dẫn tới giá cả trên thị trường future mãi bị chênh lệch với giá trên thị trường spot.
Trên lý thuyết, một nhà đầu tư có thể mở lệnh và giữ vị thế mãi mãi nếu giữ mức đòn bẩy hợp lý. Do đó, funding rate được ra đời với mục đích ngăn chặn việc giá cả ở 2 thị trường này chênh lệch nhau quá xa và đảm bảo lợi ích cho các trader.
Công cụ theo dõi funding rate
Như vậy, việc nắm rõ tỉ lệ funding của một tài sản vừa giúp trader có thêm thông tin về tâm lý thị trường, vừa giúp trader có cơ hội gia tăng lợi nhuận.
Binance
Binance là một trong những sàn giao dịch được sử dụng phổ thông nhất, nếu người dùng muốn theo dõi funding rate trên sàn giao dịch này chỉ cần truy cập vào Binance Futures, sau đó ở mục “Thông tin” chọn “Lịch sử funding rate” là có thể xem lịch sử funding rate của toàn bộ các tài sản có giao dịch hợp đồng vĩnh cửu.
FTX
FTX được biết tới là sàn chuyên dụng cho các trader, người dùng cũng có thể theo dõi funding rate trên sàn giao dịch này bằng cách truy cập đường link: https://ftx.com/funding.
FTX cho phép người dùng truy vấn dữ liệu funding rate của các loại tài sản theo từng mốc thời gian. Sàn này tính funding rate theo mỗi giờ, do đó, con số này thoạt nhìn sẽ nhỏ hơn so với các sàn khác như Binance, OKX…
Coinglass
Ngoài các sàn giao dịch, Coinglass là ứng dụng nổi tiếng nhất trong việc cung cấp dữ liệu của các sàn giao dịch phái sinh. Không chỉ có đầy đủ các loại tài sản trên nhiều sàn giao dịch khác nhau, Coinglass còn cho phép người dùng ranking cũng như tính toán funding rate theo mốc ngày, tháng, năm.
Tra cứu funding rate trên Coinglass: https://www.coinglass.com/vi/FundingRate
Lời kết
Kiến thức về funding rate là không thể thiếu với một nhà đầu tư thường xuyên giao dịch hợp đồng thông minh không kỳ hạn. Nắm vững cách hoạt động của funding rate cũng giúp các nhà đầu tư tránh những trường hợp mất tiền khi trading cũng như có thể tối ưu lợi nhuận bằng chiến lược hợp lý. Funding rate cũng đóng vai trò quan trọng với thị trường phái sinh, giảm bớt sự thao túng giá của cá mập. Tuy nhiên, bài viết này chỉ là chia sẻ thông tin, các bạn cần xem xét kỹ trước mọi quyết định của bản thân.
>> Xem thêm: Gieo Hạt Tài Chính, trải nghiệm khoá học MIỄN PHÍ.