Công cụ hỗ trợ mây Ichimoku

Ichimoku là gì?

Ichimoku là tên gọi ngắn gọn của chỉ báo Ichimoku Kinko Hyo (Biểu đồ cân bằng trong nháy mắt) hay cái nhìn thoáng qua. Ichimoku bao gồm 5 thành phần, 2 trong số 5 thành phần đó tạo thành một bộ phận có hình dáng giống đám mây nên các nhà đầu tư vẫn hay gọi chỉ báo này băng cái tên đơn giản hơn là Mây Ichi.

Ngoài việc hoạt động tốt nhất trong việc xác định xu hướng, Ichimoku còn có thể phát huy tác dụng trong việc thể hiện các mức hỗ trợ, kháng cự, động lượng của xu hướng và cung cấp tín hiệu vào/ra lệnh hợp lý.

Lịch sử hình thành mây Ichimoku

Người đã tạo ra hệ thống giao dịch Ichimoku là một nhà báo người Nhật Bản, ông Goichi Hosoda. Ông có một niềm đam mê vô cùng lớn với biểu đồ nến Nhật từ khi còn rất bé. Với sự nỗ lực không ngừng, ông đã trở thành Tổng giám đốc của tờ báo Miyako (nay là tờ Tokyo), tờ báo kinh tế – tài chính lớn nhất Nhật Bản thời bấy giờ.

Sau khi thành lập trung tâm nghiên cứu biểu đồ của riêng mình, ông quyết tâm tạo ra một chỉ báo “tất cả trong một” với mong muốn rằng chỉ báo đó có thể xác định xu hướng thị trường một cách sâu sắc hơn / bằng cách sử dụng các đường có cấu tạo tương tự như các đường MA đường trung bình.

Ông cùng với cộng sự của mình là một nhóm sinh viên đã ngày đêm backtest hàng ngàn công thức khác nhau. Và kết quả là sau 4 năm, chính xác là vào năm 1935, họ đã tạo ra một hệ thống giao dịch Ichimoku mà chúng ta vẫn đang sử dụng như ngày nay. Nhưng mãi đến năm 1969, Hosoda mới quyết định chia sẻ chỉ báo này với công chúng bằng việc đưa nó vào sách và phát hành ra bên ngoài.

Với tính linh hoạt của mình, Ichimoku nhanh chóng trở thành chỉ báo được sử dụng tại hầu hết các phòng giao dịch Nhật Bản thời bấy giờ.

Ngày nay, nó cũng trở thành hệ thống giao dịch yêu thích của rất nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp trên nhiều thị trường tài chính khác nhau như chứng khoán, forex, crypto…

Các thành phần cấu tạo nên Ichimoku

Mây ichimoku

Ichimoku được cấu tạo bởi 5 thành phần khác nhau, bao gồm:

  • Kijun-Sen (Base Line) – Đường Cơ sở
  • Tenkan-Sen (Conversion Line) – Đường Chuyển đổi
  • Chikou-Span (Lagging Span) – Đường trễ
  • Senkou-Span A (Leading Span A) – Đường dẫn A
  • Senkou-Span B (Leading Span B) – Đường dẫn B

Kijun-Sen (Base Line) – Đường Cơ sở

Đường Kijun-Sen trên hình là đường màu cam, Kijun-Sen còn có tên gọi khác là đường Xu hướng.

Công thức: Kijun-Sen = (High + Low) / 2, Chu kỳ 26

Mỗi giá trị Kijun-Sen được tính bằng cách lấy trung bình cộng giản đơn của giá cao nhất (High) và giá thấp nhất (Low) của 26 phiên giao dịch trước đó, tính cả phiên giao dịch hiện tại.

Cách tính có phần khác biệt so với các đường MA nhưng Kijun-Sen vẫn được sử dụng như một đường MA dài hạn, và tất nhiên, các ngưỡng kháng cự, hỗ trợ tạo ra từ Kijun-Sen sẽ bền vững hơn so với những thành phần còn lại trong hệ thống giao dịch Ichimoku.

Tenkan-Sen (Conversion Line) – Đường Chuyển đổi

Đường Tenkan-Sen là đường màu xanh dương trên hình, còn được gọi là đường Tín hiệu.

Công thức: Tenkan-Sen = (High + Low) / 2, Chu kỳ 9

Tương tự với cách tính của Kijun-Sen, nhưng thay vì chu kỳ 26 thì đường Tenkan-Sen được tính với chu kỳ ngắn hơn, 9.

Chikou-Span (Lagging Span) – Đường trễ

Các giá trị của đường Chikou-Span chính là giá đóng cửa (Close) của phiên giao dịch hiện tại, vẽ lùi về trước (quá khứ) 26 phiên.

Công thức: Chikou-Span = Close (phiên hiện tại), lùi về trước 26 phiên

Như có nhắc đến ở phần giới thiệu, Ichimoku có thể xác định động lực của xu hướng thì Chikou-Span chính là thành phần thực hiện chức năng này. Khoảng cách từ Chikou-Span đến đường giá sẽ thể hiện cường độ lực của xu hướng hiện tại so với thời điểm cách đó 26 phiên. 26 là một con số khá quan trọng trong tài chính vì nếu xét ở khung thời gian D1 thì khoảng thời gian 26 ngày chính là độ dài của một tháng.

Senkou-Span A – Đường dẫn A

Công thức: Senkou-Span A = (Kijun-Sen + Tenkan-Sen) / 2, tiến về trước 26 phiên

Giá trị của Senkou-Span A chính là trung bình cộng giản đơn của Kijun-Sen và Tenkan-Sen, nhưng trên đồ thị, các giá trị này được vẽ tiến về phía trước 26 phiên giao dịch (trong tương lai).

Senkou-Span B – Đường dẫn B

Senkou-Span B chính là đường màu đỏ trên hình.

Công thức: Senkou-Span B = (High + Low) / 2, chu kỳ 52, tiến về trước 26 phiên

Các giá trị của Đường dẫn B được tính tương tự như Kijun-Sen và Tenkan-Sen nhưng với chu kỳ dài hơn, 52, và đường Senkou-Span B cũng được dịch về phía trước 26 phiên như Senkou-Span.

Kumo – Mây Ichimoku

2 Đường dẫn A và B tạo thành một bộ phận có hình dáng giống đám mây, gọi là mây Ichimoku và đám mây này cũng có tên gọi riêng là Kumo, hay mây Kumo.

Nếu Kumo có Senkou-Span A nằm ở trên thì được gọi là mây tăng, ngược lại, nếu Senkou-Span B nằm trên thì gọi là mây giảm.

Phần Kumo đi trước giá còn được gọi là mây Kumo tương lai.

Dựa vào độ dày, mỏng của mây Kumo và khoảng cách từ Kumo đến đường giá, trader có thể xác định xu hướng và hành vi phía sau biến động của thị trường. Mây Kumo cũng chính là bộ phận quan trọng nhất của hệ thống giao dịch Ichimoku.

Các con số sử dụng trong Ichimoku

Trong ichi có 3 phần mà rất nhiều người nghiên cứu để hiểu hơn gồm: lý thuyết sóng, lý thuyết về thới gian và lý thuyết về các con số.

Các con số chủ đạo được sử dụng trong Ichimoku là 917 và 26.

Ngoài 3 con số mình vừa nói phía trước còn có 1 số những con số sau được sử dụng như:

33, 42, 65, 76, 129, 172, 200-257

Bây giờ nếu bạn làm một phép tính nhanh, 9 + 17 = 26. 26 + 17 = 42 + 1. 33 + 9 = 42. 33 × 2 = 65 + 1. 42 + 33 = 76-1. 65 × 2 = 129 + 1. 129 + 42 = 172-1. Vì vậy, tất cả những con số này có liên quan với nhau và tất cả đều bao gồm những con số cơ bản theo một cách nào đó.

Trong lý thuyết Ichimoku, 9 và 26 là các chu kỳ điển hình của thị trường. Có thể 9 nến là 1 chu kỳ và có thể 26 nến là một chu kỳ. Ví dụ bullish trend kéo dài trong 9 ngày, sau đó bearish trend xuất hiện trong 9 ngày tiếp theo. Hoặc nếu chu kỳ giảm kéo dài trong 26 nến để đạt đến mức giá thấp nhất, thì nó cũng cần 26 nến để trở về mức giá ban đầu, đại khái là như vậy.

Các bước giao dịch Ichimoku theo xu hướng

Bước 1: Xác định xu hướng

Điều đầu tiên nhà đầu tư cần làm là xác định xu hướng thị trường đang tăng hay giảm. Trong đó, vẽ đường trendline (đường thẳng nối đỉnh với đỉnh, đáy với đáy lại với nhau) là một trong những cách đơn giản nhất để tìm ra xu hướng, đặc biệt khi trendline nằm tại các ngưỡng hỗ trợ hoặc kháng cự sẽ cho xu hướng càng rõ ràng.

Nếu thị trường đang trong một xu hướng tăng, nhà đầu tư chỉ nên giao dịch bằng lệnh BUY.

Mây ichimoku

Nếu thị trường trong một xu hướng giảm, nhà đầu tư chỉ nên giao dịch bằng lệnh Sell.

Mây ichimoku

Bước 2: Sử dụng Ichimoku để xác định tín hiệu vào lệnh

Để xác định tín hiệu vào lệnh khi sử dụng chỉ báo Ichimoku, thông thường sẽ dựa vào đường Tenkan-Sen và đường Kijun-Sen. Sự giao nhau của 2 chỉ báo này sẽ cho tín hiệu về một xu hướng rõ rệt.

  • Khi đường Tenkan-Sen cắt đường Kijun-Sen từ dưới lên, sẽ cho tín hiệu một xu hướng tăng giá → thực hiện lệnh Buy.
  • Khi đường Tenkan-Sen cắt đường Kijun-Sen từ trên xuống, sẽ cho tín hiệu một xu hướng giảm giá → thực hiện lệnh Sell.

Đồng thời, để đảm bảo những tín hiệu trên được chính xác hơn, nhà đầu tư nên kết hợp với mây Kumo để tìm được điểm vào lệnh hợp lý nhất. Theo đó:

  • Đường Tenkan-Sen cắt Kijun-Sen từ dưới lên và giao điểm nằm trên mây Kumo, càng cho tín hiệu mua (Buy) mạnh mẽ.

Mây ichimoku

  • Đường Tenkan-Sen cắt Kijun-Sen từ trên xuống và giao điểm nằm dưới mây Kumo, càng cho tín hiệu bán (Sell) mạnh mẽ.

Mây ichimoku

Lưu ý: Trong một xu hướng tăng, nếu giao điểm của Tenkan-Sen và Kijun Sen nằm dưới mây Kumo hoặc trong xu hướng giảm, giao điểm của Tenkan-Sen và Kijun Sen nằm trên mây Kumo thì nhà đầu tư không nên vào lệnh, vì đây là những tín hiệu yếu, không đáng tin cậy.  

Như vậy, khi sử dụng chỉ báo Ichimoku để giao dịch, giá phải thỏa mãn 3 quy tắc dưới đây thì chúng ta sẽ có được một điểm vào lệnh tiềm năng:

  • Giá hình thành trong một xu hướng tăng/giảm rõ ràng.
  • Đường Tenkan-Sen phải cắt đường Kijun-Sen.
  • Điểm cắt nhau của Tenkan-Sen và Kijun-Sen phải nằm trên/dưới mây Kumo.

Bước 3: Cắt lỗ

Cắt lỗ là bước quản lý vốn thiết yếu nhất trong bất kỳ giao dịch nào. Đối với giao dịch Ichimoku, nhà đầu tư sẽ thực hiện cắt lỗ như sau:

  • Đối với lệnh Buy: đặt cắt lỗ dưới vùng hỗ trợ gần nhất và cách một khoảng nhỏ.

Mây ichimoku

  • Đối với lệnh Sell: đặt cắt lỗ trên vùng kháng cự gần nhất và cách một khoảng nhỏ.

Mây ichimoku

Bước 4: Chốt lời

Để thực hiện thoát lệnh và chốt lời, nhà đầu tư chờ đến khi giá đi ngược lại với xu hướng, đồng thời xuất hiện tín hiệu cắt nhau giữa đường Tenkan-Sen và Kijun-Sen:

  • Đối với lệnh Buy: chốt lời tại điểm giao nhau lúc Tenkan-Sen di chuyển xuống Kijun-Sen.

Mây ichimoku

  • Đối với lệnh Sell: chốt lời tại điểm giao nhau lúc Tenkan-Sen vượt lên trên Kijun-Sen

Mây ichimoku

Lời kết

Mây Ichimoku là một công cụ phân tích kỹ thuật gần như thể hiện toàn diện về thị trường nhưng đây cũng chính là bộ công cụ khó sử dụng nhất dành cho các nhà đầu tư tìm hiểu về phân tích kỹ thuật trong thị trường tài chính. Và đa phần nhà đầu tư mới khi tìm hiểu về mây ichimoku thường lầm tưởng rằng đây là “Chén thánh”.

Hãy nhớ rằng không tồn tại bất kỳ “Chén thánh” nào trong thị trường tài chính này, nếu bạn muốn đi được lâu trong thị trường thì bản chất nằm ở việc phân bổ vốn và quản lý vốn, kiểm soát cảm xúc.

Chúc các bạn thành công trong thị trường tài chính. Thân ái!

>> Xem thêm: Xu hướng và Trendline trong đầu tư

>> Xem thêm: Supply Demand – Kháng cự và hỗ trợ

>> Xem thêm: Tổng quan về phân tích kỹ thuật

>> Xem thêm: Volume giao dịch? Toàn tập về volume giao dịch

>> Xem thêm: Sự kỳ diệu của dãy Fibonancci

>> Xem thêm: Lý thuyết sóng Elliot

>> Xem thêm: Tổng quan về dữ liệu on-chain

>> Xem thêm: Đường trung bình động MA

>> Xem thêm: Công cụ Bollinger bands

>> Xem thêm: Công cụ RSI

icons8-exercise-96